Những khó khăn thường gặp trong nghề gia công cơ khí tại Việt Nam

Với nhiệm vụ cung cấp toàn bộ những trang thiết bị cần thiết phục vụ cho các lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp, hay thậm chí là cho ngành du lịch, dịch vụ, giao thông vận tải ở nước ta thì định hướng phát triển ngành gia công cơ khí được xem là một trong những ưu tiên hàng đầu tại Việt Nam.

Tuy nhiên, lĩnh vực sản xuất các sản phẩm gia công cơ khí tại nước ta vẫn đang gặp phải khá nhiều thách thức trong việc đẩy mạnh phát triển.

Thiếu vốn đầu tư

Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cơ khí tại nước ta hiện nay đang gặp phải khá nhiều khó khăn do ngành nghề này đòi hỏi số vốn ban đầu khá lớn nhưng việc thu hồi vốn lại rất lâu do chu kỳ sản xuất dài. Do đó, hầu hết các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đều ở mức quy mô nhỏ, lẻ theo kiểu hộ gia đình, số lượng lao động ít nên sản phẩm làm ra đơn điệu và thiếu tính cạnh tranh trên thị trường. Đa phần các sản phẩm làm ra là những thiết bị đơn giản như chế tạo đường ống áp lực, gò hàn, cán tôn,… chứ không sản xuất được ra phôi hay các chế tạo khuôn mẫu. Chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh Bà Rịa, theo khảo sát của Sở Công Thương năm 2016 trên 330 cơ sở sản xuất gia công cơ khí, có tới gần 97% doanh nghiệp thuộc dạng siêu nhỏ. Trong đó, khoảng 70,31% có vốn dưới 1 tỉ đồng và 26,56% doanh nghiệp có vốn đầu tư từ trên 1 tỉ đến dưới 10 tỉ đồng. Những con số này cho thấy Nhà Nước cần hỗ trợ các doanh nghiệp nhiều hơn nữa trong việc đầu tư vốn sản xuất vào ngành công nghiệp trọng điểm này.

Đầu tư vào ngành không đồng nhất

Việc đầu tư vào ngành cơ khí trong những năm qua chưa thật sự đồng bộ và thống nhất ở tất cả các tỉnh thành trên cả nước. Theo ông Nguyễn Mạnh Quân – Vụ Trưởng Vụ Công nghiệp nặng thuộc Bộ Công Thương cho biết: Cả nước ta hiện nay có khoảng 3.100 doanh nghiệp cơ khí trong tổng số 53.000 cơ sở sản xuất trong lĩnh vực này. Trong đó có gần 450 doanh nghiệp quốc doanh, 1.250 cơ sở sản xuất tập thể và 156 xí nghiệp tự doanh. Ngoài ra, chỉ có khoảng 50% nhà sản xuất là chuyên chế tạo và lắp ráp, còn lại hầu hết là cơ sở sửa chữa. Sự phân tán và chưa đồng bộ trong việc đầu tư vào ngành này khiến cho việc phối hợp liên kết giữa các cơ sở không đủ mạnh để làm đòn bấy thúc đẩy sự phát triển toàn ngành.

Máy móc lạc hậu

Máy móc và các trang thiết bị phục vụ cho ngành gia công sản phẩm cơ khí trong nước nhìn chung còn khá lạc hậu so với các nước trong cùng khu vực. Điều này khiến cho các cơ sở sản xuất khó lòng sản xuất ra các thành phẩm có giá trị cao, dẫn đến việc chưa hình thành được những nhóm sản phẩm chủ lực đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Song song đó việc trở thành thành viên của WTO và gia nhập vào các Hiệp định thương mại như FTA ngành cơ khí chắc chắn sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn và thử thách không nhỏ trong việc cạnh tranh với các nước trên thế giới, đặc biệt là khu vực ASEAN. Chính vì vậy, việc cải tiến máy móc nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra các mặt hàng có giá trị và sức cạnh tranh cao là điều hết sức cấp bách mà các nhà đầu tư cần phải quan tâm và triển khai ngay từ lúc này.

Trình độ nhân lực còn yếu kém

Trình độ kỹ thuật ở nước ta còn khá yếu kém và hạn chế khi đa phần người lao động đều không được đào tạo bài bản, mà thường là tự học nghề. Do đó, đối với những thiết bị công nghệ đòi hỏi kỹ thuật cao, trình độ chuyên môn và khả năng sản xuất tập trung thì nguồn lao động của Việt Nam lại chưa hoàn toàn đáp ứng được. Đây được xem như một trong những vấn đề khá nghiêm trọng ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất và kinh tế của ngành gia công sản phẩm cơ khí của nước nhà. Vậy nên việc tập trung đào tạo trình độ kỹ thuật và chuyên môn cho người lao động trong lĩnh vực này cũng là vấn đề cấp bách mà các doanh nghiệp nên chú trọng thực hiện.

Việc tìm ra được giải pháp và hướng đi đúng đắn cho ngành gia công cơ khí thật sự là một bài toán khó cho Nhà Nước ta lẫn các doanh nghiệp đầu tư. Hiện nay, Nhà Nước ta đang đề xuất và ban hành rất nhiều những chính sách hỗ trợ cho những cơ sở, doanh nghiệp cơ khí trên toàn quốc. Hy vọng với sự hỗ trợ này, trong tương lai không xa, ngành này sẽ trở thành một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn, giúp sản phẩm gia công cơ khí của Việt Nam vươn ra tầm thế giới.

Rate this post
Rate this post
Bài viết liên quan