Ngành cơ khí chế tạo đón “sóng” hội nhập

Trước sự dịch chuyển chuỗi cung ứng từ các dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) vào Việt Nam và các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã ký kết có hiệu lực tạo cơ hội cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cơ khí chế tạo nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Vĩnh Phúc là một trong các tỉnh có tỷ trọng về công nghiệp cao, thu hút được số lượng lớn các nhà đầu tư đã tạo môi trường thuận lợi cho việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, nhất là cơ khí chế tạo.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều doanh nghiệp cơ khí chế tạo cung ứng những linh kiện và công đoạn quan trọng cho các khách hàng doanh nghiệp FDI từ Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia châu Âu như Công ty Toyota Việt Nam, Công ty Honda Việt Nam, Công ty Deawoo Bus, Công ty Piaggio…

Nhiều năm nay, đi đầu trong lĩnh vực cơ khí chính xác của tỉnh là Công ty TNHH Công nghiệp chính xác Việt Nam 1, KCN Khai Quang (Vĩnh Yên). Sau nhiều năm phát triển, công ty trở thành một trong những nhà cung cấp linh kiện xe máy, ô tô chính tại Việt Nam nhờ chuỗi tổ hợp các công đoạn sản xuất hoàn chỉnh.

Hiện, khách hàng chính của công ty gồm có Toyota, Honda, Yamaha, Ford. Sản phẩm của công ty đã xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Mỹ, Pháp.

Xác định chất lượng sản phẩm giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ, công ty không ngừng cải tiến máy móc; thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển; hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp sản xuất linh kiện ly hợp xe máy, linh kiện ô tô, dập nóng nhôm/sắt, hệ thống làm mát/tản nhiệt, nhúng PVC.

Đặc biệt, tháng 12/2023, Công ty TNHH Công nghiệp chính xác Việt Nam I và Công ty TNHH Lioho Việt Nam đã liên danh triển khai xây dựng dự án công nghiệp cơ khí Lioho Machine Works Việt Nam tại Khu công nghiệp (KCN) Thăng Long Vĩnh Phúc trên diện tích 5 ha với tổng mức đầu tư 75 triệu USD, chuyên sản xuất các sản phẩm phụ tùng ô tô, xe gắn máy, linh kiện kim loại của thiết bị mạng internet, linh kiện kim loại của máy bơm và phụ tùng máy khác.

Các sản phẩm sẽ được cung cấp cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài… đánh dấu bước phát triển của doanh nghiệp.

Công ty cổ phần giải pháp công nghệ CNC, KCN Thăng Long Vĩnh Phúc chuyên gia công cơ khí chính xác, chế tạo khuôn, ép phun nhựa, dây chuyền tự động hóa…

Mỗi tháng, công ty xử lý hàng nghìn bản vẽ của các chi tiết khác nhau dùng cho các loại máy móc thiết bị tự động hoá, khuôn mẫu, thiết bị điện tử; đồng thời sản xuất khuôn ép nhựa và khuôn đúc áp lực cho các thiết bị điện tử viễn thông, điện tử tiêu dùng, xe máy, thiết bị IoT thông minh.

Khách hàng của công ty chủ yếu đến từ Nhật Bản, Ý, Israel, Mỹ và các doanh nghiệp trong nước.

Từng bước làm chủ công nghệ sản xuất khuôn mẫu, công ty đã đầu tư đồng bộ các công đoạn, tạo thành quy trình sản xuất khép kín từ quá trình thiết kế cho đến sản xuất chi tiết khuôn với các trang thiết bị, máy móc hiện đại; cung ứng đa dạng sản phẩm phục vụ nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau; kiểm tra từng sản phẩm trước khi giao hàng… góp phần gia tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hiện nay, khách hàng Mỹ chiếm hơn 20% tổng số khách hàng của doanh nghiệp, tăng hơn 40% so với năm trước. Đặc biệt cuối năm 2023, công ty đã chế tạo và vận chuyển thành công loạt khuôn lớn với trọng lượng trung bình 1,5 tấn sang thị trường Mỹ.

Để ngành cơ khí chế tạo trên địa bàn tỉnh trở thành mắt xích cung cấp sản phẩm hỗ trợ có hàm lượng giá trị cao trong dây chuyền sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế, từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, UBND tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn, hệ thống quản lý chất lượng trong sản xuất.

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường liên kết giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp về vốn, mặt bằng, mở rộng thị trường.

Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp vật liệu nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong tỉnh.

Cùng với đó, tỉnh thu hút đầu tư phát triển các mảng cấu kiện kim loại, thiết bị cơ khí, phụ tùng hỗ trợ sản xuất chế tạo, lắp ráp ô tô, xe máy; tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất và phát triển các sản phẩm linh kiện như giá đỡ động cơ, phanh xe, hệ thống vòng kẹp; khuyến khích doanh nghiệp liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trên cơ sở ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất

Với sự phát triển của ngành cơ khí chế tạo hiện nay, Vĩnh Phúc đang hiện hữu mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp hỗ trợ của vùng đồng bằng sông Hồng trong tương lai gần.

Nguồn: baovinhphuc.com.vn

Rate this post
Rate this post
Bài viết liên quan